Theo Bộ Công thương, năm 2021, vấn nạn hàng giả, hàng nhái có nhiều diễn biến phức tạp. Công tác quản lý, bảo đảm trật tự thị trường, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên thị trường nội địa gặp không ít khó khăn.
Lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện xử lý 41.375 vụ vi phạm hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ… ước thu nộp ngân sách gần 430 tỷ đồng. Nhiều vụ vi phạm lớn, kéo dài đã được lực lượng quản lý thị trường chủ trì kiểm tra, phát hiện và chuyển cơ quan chức năng xử lý.
Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết dù các cơ quan nhà nước đã nỗ lực trong công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái nhưng đến nay, hoạt động này vẫn diễn ra rất phức tạp, tinh vi.
Cũng theo đại diện Tổng Cục Quản lý thị trường, nhiều doanh nghiệp biết thương hiệu của mình bị xâm phạm nhưng vẫn lẳng lặng thỏa hiệp với chuyện đó vì sợ thương hiệu của mình bị ảnh hưởng. Trên thị trường, từ cái giấy ăn đến đồ vệ sinh ăn uống, đồ gia dụng, quần áo giày dép, thậm chí trong phòng trưng bày có cả xe máy Honda bị làm giả bán có 17, 18 triệu đồng/chiếc, mọi người đi rất nhiều.
Đặc biệt vào dịp cuối năm, tình trạng hàng nhập lậu bao gồm hàng giả tiếp tục diễn biến nóng, các mặt hàng buôn lậu phổ biến vẫn là rượu, thuốc lá, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm…
Theo quy định của pháp luật hiện hành, những vụ buôn bán hàng giả có trị giá từ 30 triệu đồng trở lên sẽ bị xử lý hình sự, dưới mức này, xử lý hành chính. Đây chính là kẽ hở để các đối tượng vi phạm lợi dụng chia nhỏ hàng hóa vi phạm nhằm trốn tránh xử lý hình sự.
Thậm chí, các đối tượng chấp nhận bị xử lý hành chính và vẫn tái phạm. Nhiều đối tượng kinh doanh hàng giả, buôn lậu rất manh động và sẵn sàng chống trả quyết liệt lực lượng chức năng…
Hiện nay, để ngăn chặn tình trạng sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ hàng gian, hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, Việt Nam có khoảng 8 lực lượng tham gia công tác này. Tuy nhiên, lực lượng chức năng vẫn gặp nhiều khó khăn trong phát hiện và xử lý.
Để hóa giải những bất cập trên, Bộ Công thương đang trình Chính phủ xem xét thông qua dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Quản lý thị trường…
Điểm nổi bật, dự thảo bổ sung thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra việc chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại... nhằm gia tăng thẩm quyền và tính chủ động của lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh phòng, chống, xử lý các hành vi vi phạm hành chính ngày càng tinh vi hiện nay.